1. Triệu chứng
Hen phế quản là một bệnh viêm mãn tính đường hô hấp, gây tắc nghẽn đường thở từng cơn, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và thường hay tái phát với các triệu chứng khò khè, khó thở. Trên thực tế, nếu trẻ chỉ bị khò khè thì không phải là hen, nhưng có nguy cơ trở thành hen khi các triệu chứng khò khè hoặc ho kéo dài dai dẳng từ nhỏ đến lớn, mà nhiều khi bố mẹ thường chủ quan không khám kỹ cho con.
Đặc điểm của triệu chứng khò khè khi bị hen phế quản thường xuất hiện từng cơn, thoáng qua, kết hợp với nhiễm virus hoặc do nhiều yếu tố khởi phát như thay đổi thời tiết, dị ứng theo mùa… và giữa các đợt không còn khò khè nữa. Triệu chứng khò khè thường xuất hiện trước 3 tuổi và kéo dài đến sau 6 tuổi; hoặc khò khè khởi phát muộn sau 3 tuổi có thể xuất hiện từng cơn hay do nhiều yếu tố khởi phát. Do đó, khi trẻ có dấu hiệu thở khò khè thì gia đình cần đưa con đi kiểm tra đường hô hấp để chặn nguy cơ thành hen phế quản.
Trong trường hợp không phát hiện bệnh kịp thời ở giai đoạn khò khè, thì bệnh hen phế quản sẽ dần xuất hiện với các triệu chứng điển hình hơn. Trẻ bắt đầu viêm long đường hô hấp trên với các dấu hiệu hắt hơi xổ mũi… và xuất hiện cơn hen với các triệu chứng khò khè, đặc biệt vào nửa đêm về sáng, khó thở ra, có tiếng rít cò cử... hoặc nhiều trường hợp trẻ xuất hiện bệnh ở thể không điển hình, chỉ có viêm long đường đường hô hấp trên và thở khò khè. Khi trẻ đã có những dấu hiệu rõ như trên thì nghe phổi sẽ có ran rít và ran ngáy, xét nghiệm máu sẽ thấy số lượng bạch cầu không tăng, chỉ tăng bạch cầu ái toan. Trong trường hợp hen bội nhiễm thì số lượng bạch cầu và bạch cầu đa nhân trung tính tăng. Khi đó chụp phổi thấy ứ khí phổi.
2. Nguyên nhân
Virus được coi là nguyên nhân phổ biến nhất, chiếm 85% các trường hợp cơn hen cấp: như virus Rhino, Corona, Influenza, virus hợp bào hô hấp RSV (Respiratory Syncytial Virus).
Bên cạnh đó, những tác nhân trong môi trường theo đường hô hấp, góp phần thúc đẩy cơn hen cấp như: bụi, bọ nhà, phấn hoa, lông vật nuôi, mốc, khói thuốc lá, khói than tổ ong… hay những chất như trứng, sữa bò, đậu nành, cá, tôm hoặc bị trào ngược dạ dầy thực quản… Ngoài ra, nếu bố mẹ có tiền sử hen hoặc dị ứng thì trẻ cũng dễ bị hen.
3. Điều trị
Khi trẻ được xác định là bị hen phế quản thì tùy vào cấp độ của bệnh mà có phương án điều trị thích hợp: Với cơn hen nhẹ, chỉ cần cho trẻ khí dung Ventolin hoặc cho uống thuốc mở phế quản nhóm salbutamon, làm sạch mũi, thông thoáng đường thở (Sterimar, sofmer…), nếu có sốt cho hạ sốt nhóm paraxetamon.
Với cơn hen vừa, cần điều trị bằng khí dung kết hợp giữa ventolin làm mở phế quản với thuốc nhómcorticoid dạng phun sương như Fluticason propionate, Budesonide (Pulmicort, Symbicort…). Khi cơn hen ở thể nặng thì kết hợp khí dung và thở oxy, cho kháng sinh nếu có bội nhiễm.
Nếu là cơn hen ác tính thì phải được cấp cứu và điều trị tại bệnh viện, thở oxy, khí dung hoặc tiêm tĩnh mạch thuốc giãn phế quản và corticoid, nặng hơn nữa có thể phải đặt nội khí quản và thở máy.
4. Phòng chống
Phòng chống bệnh hen cho trẻ có nhiều cách. Cần cách ly trẻ bị hen phế quản do virus (thường hắt hơi xổ mũi) với trẻ khỏe. Vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi hay tiền sử gia đình có bố mẹ bị hen hoặc trẻ bị chàm cần điều trị dự phòng hen theo hướng dẫn của chương trình kiểm soát hen toàn cầu GINA bằng cách dùng thuốc dạng hít – loại cơ bản trong điều trị hen cho trẻ em ở tất cả các lứa tuổi; hoặc dạng uống: Montelukast Na (Singulair, Montelukast…) theo chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, ho khò khè thường hay tái phát và dai dẳng nên cần tái khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ để chỉnh liều thuốc dự phòng hen. Trong nhà có trẻ bị khò khè dai dẳng cần tránh nuôi chó, mèo và luôn giữ nhà sạch sẽ và thoáng khí. Bên cạnh đó, không nên xả quần áo bằng các hóa chất có mùi thơm và đặc biệt người lớn không nên hút thuốc lá trong nhà.