Xác định ổ dịch sốt xuất huyết
Ở một nơi bao gồm tổ dân phố, khu phố, xóm, thôn, bản, ấp, cụm dân cư hoặc cơ sở tương đương được xác định là có ổ dịch sốt xuất huyết khi tại nơi đó có các ca bệnh lâm sàng xảy ra trong vòng 7 ngày hoặc một ca bệnh sốt xuất huyết được chẩn đoán xác định bằng kỹ thuật chuyên môn ở phòng xét nghiệm; đồng thời phát hiện có bọ gậy và lăng quăng muỗi hoặc muỗi trưởng thành truyền bệnh sốt xuất huyết trong phạm vi bán kính 200 mét. Sau khi phát hiện có ổ dịch sốt xuất huyết xảy ra tại địa phương, cơ sở phải tập trung xử lý ngay ổ dịch bằng các biện pháp can thiệp theo quy định. Ổ dịch sốt xuất huyết chỉ được xác định chấm dứt, không còn lưu hành khi không phát hiện được ca bệnh mắc mới trong vòng 14 ngày kể từ ngày khởi phát của ca bệnh cuối cùng.
Theo quy định, ca bệnh sốt xuất huyết được thống kê gồm ca bệnh lâm sàng và ca bệnh xác định. Ca bệnh lâm sàng ghi nhận ở những người sống hay đến từ vùng có ổ dịch hoặc lưu hành sốt xuất huyết trong vòng 14 ngày với biểu hiện lâm sàng sốt cao đột ngột, sốt liên tục từ 2 đến 7 ngày và có ít nhất 2 trong các dấu hiệu sau đây: Có biểu hiện xuất huyết ở nhiều mức độ khác nhau như nghiệm pháp dây thắt dương tính, có chấm hoặc mảng xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam. Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn. Da sung huyết, phát ban. Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Vật vã, li bì. Đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan. Ca bệnh xác định là ca bệnh được chẩn đoán xác định bằng kỹ thuật xét nghiệm Elisa (enzyme linked immunosorbent assay) để phát hiện IgM hoặc NS1, phân lập vi-rút gây bệnh hay kỹ thuật xét nghiệm PCR (polymerase chain reaction)
Xử lý ổ dịch sốt xuất huyết
Xử lý ổ dịch sốt xuất huyết phải được triển khai đồng thời cùng một lúc biện pháp điều trị bệnh nhân và can thiệp biện pháp chuyên môn kỹ thuật tùy theo quy mô của ổ dịch. Việc điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết thực hiện đúng theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết của Bộ Y tế ban hành. Can thiệp biện pháp chuyên môn kỹ thuật tùy theo quy mô ổ dịch với cách xử lý khác nhau như: Khi chỉ có 1 ổ dịch sốt xuất huyết thì xử lý biện pháp ở khu vực trong phạm vi bán kính 200 mét kể từ nhà bệnh nhân. Trường hợp có từ 3 ổ dịch sốt xuất huyết trở lên tại một tổ dân phố, thôn, bản, ấp hoặc cơ sở tương đương trong vòng 14 ngày thì xử lý theo quy mô tổ dân phố, thôn, bản, ấp hoặc cơ sở tương đương và có thể mở rộng ra khi có nguy cơ dịch bệnh lan rộng. Các biện pháp xử lý ổ dịch cần phải được triển khai ngay trong vòng 48 giờ kể từ khi ổ dịch được phát hiện và xác định bao gồm biện pháp phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh, giám sát bệnh nhân và trung gian truyền bệnh với muỗi trưởng thành, bọ gậy, lăng quăng muỗi; tuyên truyền và huy động cộng đồng cùng hưởng ứng, tham gia các biện pháp; tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy và lăng quăng muỗi truyền bệnh...
Chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng muỗi truyền bệnh
Chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng muỗi truyền bệnh là một biện pháp chuyên môn kỹ thuật khá quan trọng trong xử lý ổ dịch sốt xuất huyết vì nếu chỉ chú trọng đến việc điều trị bệnh nhân, phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành thì không có hiệu quả do bọ gậy và lăng quăng hiện diện trong khu vực ổ dịch sẽ tiếp tục phát triển thành muỗi trưởng thành để đảm nhận vai trò truyền bệnh tại chỗ với mầm bệnh vi-rút có sẵn. Thời gian tiến hành chiến dịch diệt bọ gậy và lăng quăng muỗi truyền bệnh phải được thực hiện đến từng hộ gia đình trước khi phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành. Đơn vị y tế dự phòng phải tham mưu cho chính quyền các cấp chỉ đạo ban, ngành, đoàn thể mà nòng cốt là mặt trận tổ quốc, cựu chiến binh, thanh niên, phụ nữ, giáo dục, công an... xây dựng kế hoạch với sự tham mưu của ngành y tế để tổ chức triển khai chiến dịch diệt bọ gậy và lăng quăng muỗi truyền bệnh tại cộng đồng. Cần thành lập các đội xung kích diệt bọ gậy và lăng quăng muỗi ở tuyến thôn, bản, ấp hoặc cơ sở tương đương với thành phần gồm trưởng thôn, bản, ấp hoặc cơ sở tương đương, dân phòng, cộng tác viên y tế, cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên, học sinh cấp 2... hoạt động dưới sự điều hành của ban chỉ đạo chống dịch cấp xã, phường, thị trấn để triển khai các hoạt động diệt bọ gậy và lăng quăng muỗi truyền bệnh có hiệu quả.
Cần quan tâm chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng muỗi trong xử lý ổ dịch sốt xuất huyết (ảnh minh họa)
Nội dung hoạt động được thực hiện trong chiến dịch này là tiến hành các biện pháp truyền thông giáo dục sức khỏe đến cộng đồng, hướng dẫn để người dân nâng cao nhận thức và cùng phối hợp trong việc phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành, diệt bọ gậy và lăng quăng muỗi truyền bệnh. Lưu ý đậy kín các loại dụng cụ chứa nước bằng nắp đậy, vải màn ngăn không cho muỗi bay vào đẻ trứng; thả cá, loài giáp xác mesocyclop hoặc các tác nhân sinh học khác trong những dụng cụ chứa nước. Đồng thời lật úp các dụng cụ chứa nước nhỏ như xô, chậu, bát, máng nước gia cầm...; thu dọn rác kể cả các loại dụng cụ chứa nước tự nhiên và nhân tạo như chai, lọ, lu, vò bị vỡ; vỏ đồ hộp, lốp xe hỏng, vỏ dừa... cho vào túi rồi chuyển tới nơi thu gom rác phế thải của địa phương hoặc tiêu hủy bằng cách đốt và chôn lấp; cần lọc nước trong các dụng cụ chứa nước để loại bỏ bọ gậy và lăng quăng muỗi. Đối với các bẫy kiến, lọ hoa, chậu cây cảnh, khay chứa nước thải của tủ lạnh và máy điều hòa nhiệt độ... nên cho dầu hoặc muối vào để ngăn ngừa bọ gậy và lăng quăng phát triển; cần cọ rửa bằng bàn chải thành các loại dụng cụ chứa nước sử dụng một cách thường xuyên để diệt trứng muỗi bám trên bề mặt ít nhất mỗi tuần một lần. Ngoài ra, có thể xử lý bằng hóa chất diệt ấu trùng muỗi ở những nơi đọng nước như hố ga thoát nước, hốc cây, kẽ lá cây, bể cây cảnh và các ổ nước đọng khác...
Điều cần quan tâm
Ở những địa phương thường xuyên có nguy cơ bệnh sốt xuất huyết lưu hành với khả năng bùng phát thành dịch trên diện rộng có thể gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe kể cả tính mạng của người dân cần phải tăng cường việc giám sát dịch tễ để chủ động phát hiện ổ dịch sớm ngay từ đầu nhằm có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả. Việc xử lý ổ dịch sốt xuất huyết sau khi phát hiện nên triển khai sớm bằng những biện pháp chuyên môn kỹ thuật quy ước phối hợp với nhau, trong đó cần quan tâm đến chiến dịch diệt bọ gậy và lăng quăng muỗi trong phạm vi quy định nhằm ngăn ngừa sự phát tán mầm bệnh tiếp tục trước khi phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành và quản lý điều trị bệnh nhân. Khẩu hiệu hành động “không có bọ gậy, không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết” phải thực sự đi vào cuộc sống của cộng đồng và cần được xem là trách nhiệm của tất cả mọi người trong việc xã hội hóa vấn đề này khi sốt xuất huyết chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu.