Nghị định số 16 Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị nghiệp công lập (thay thế Nghị định số 43/2006) được Chính phủ ban hành ngày 14/2/2015 là một trong những giải pháp triển khai Kết luận số 63/KL-TW về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ giúp người có công và định hướng tới năm 2020.
Nâng cao chất lượng dịch vụ công
Phó Thủ tướng cho biết Nghị định 16 nâng cao tự chủ và quyền hạn lớn hơn cho các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) so với những quy định ở các văn bản trước đây của Chính phủ ở 3 lĩnh vực: Tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính.
Trước đây không có chuyện ĐVSNCL được tự ý đi vay vốn ngân hàng để hoạt động mà phải được Nhà nước thẩm định, phê duyệt. Còn với Nghị định 16, đơn vị đủ điều kiện là được vay. Trước đây, ĐVSNCL phải gửi tiền gửi vào kho bạc nhưng nay có thể gửi ở ngân hàng thương mại, Phó Thủ tướng nói rõ thêm.
Liên quan tới việc tính phí và giá dịch vụ công, Nghị định 16 đã quy định lộ trình thực hiện chung cho ĐVSNCL. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh nếu đơn vị nào có đủ điều kiện, năng lực thì chủ trương của Chính phủ sẽ cho đơn vị đó thực hiện ngay mức giá dịch vụ có tính đúng, tính đủ các chi phí, đảm bảo có lợi nhuận, chứ không phải chờ theo đúng lộ trình.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng cho rằng mặc dù việc triển khai các văn bản pháp luật liên quan đến đổi mới ĐVSNCL có khó khăn do tác động tới 2 triệu người đang làm việc trong khối này. Bên cạnh đó, việc đổi mới không chỉ thực hiện với các ĐVSNCL ở Trung ương (là những đơn vị có nhiều lợi thế) mà còn rất nhiều đơn vị ở các cấp của địa phương.
Nhưng theo Phó Thủ tướng, ở đây cũng có nhiều thuận lợi, nhất là chủ trương của Đảng quyết tâm đổi mới hoạt động ĐVSNCL; mạng lưới an sinh xã hội (BHXH, BHYT) ngày một lớn và rộng rãi cũng giúp việc chi trả dịch vụ công tốt hơn. Việc đổi mới thời gian qua đã có những kết quả bước đầu khi trong nước đã có nhiều nơi cung cấp dịch vụ công như y tế, giáo dục chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của một bộ phận người dân.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Nhà nước vẫn còn bao cấp, nhất là về lương cho các ĐVSNCL (chiếm 38% tổng quỹ lương của Nhà nước). Ngân sách hằng năm chi cho lĩnh vực này cũng rất lớn (chủ trương của Đảng, Nhà nước là không giảm chi cho an sinh xã hội) nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh đổi mới không phải vì thiếu tiền chi cho dịch vụ công mà là vì mục đích quan trọng hơn là nhằm nâng số lượng và chất lượng dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và sự phát triển của xã hội.
Ngoài ra, chủ trương này còn khuyến khích các ĐVSNCL có quyền tự chủ cao hơn, huy động sự đóng góp của các nguồn lực xã hội tốt hơn vào hoạt động và nâng cao được mức lương của người lao động (hiện đang rất thấp nếu chỉ phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước).
Thay đổi cách cấp phát ngân sách Nhà nước
Về vai trò của Nhà nước đối với xã hội, Phó Thủ tướng khẳng định đổi mới giá, phí dịch vụ công theo thị trường định hướng XHCN. Những đối tượng như người nghèo, gia đình chính sách, hộ cận nghèo, Nhà nước vẫn phải lo.
Đi liền với đổi mới ĐVSNCL, Nghị định 16 cũng quy định việc cơ cấu lại ngân sách Nhà nước dành cho khối này bằng cách thay đổi cách cấp phát ngân sách theo hướng Nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ với các đơn vị cung cấp dịch vụ công. Ví dụ, Nhà nước có nhu cầu đào tạo 10 kỹ sư thì giao chỉ tiêu này cho cơ sở giáo dục. Nhà nước sẽ cấp tiền cho 10 kỹ sư này để chi trả học phí với mức đủ để đào tạo theo giá thị trường.
Việc thay đổi cơ chế cấp phát ngân sách cho ĐVSNCL được Phó Thủ tướng coi là rất quan trọng và cần phải thực hiện bắt buộc để chuyển đổi hoạt động của ĐVSNCL, kể cả các đơn vị được Nhà nước bao cấp cũng phải thay đổi hình thức cấp phát ngân sách.
Tại cuộc họp, các bộ, ngành cũng thông báo việc rà soát, sửa đổi các Nghị định của Chính phủ quy định về hoạt động các ĐVSNCL theo chuyên ngành để đảm bảo phù hợp với Nghị định 16- Nghị định khung về đổi mới ĐVSNCL; báo cáo việc thực hiện phân loại các ĐVSNCL thực hiện theo cơ chế mới.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng việc quy hoạch và phân loại các ĐVSNCL của các Bộ, ngành, địa phương là quan trọng, cần triển khai thực hiện sớm vì liên quan tới nhiều đơn vị ở địa phương không có nhiều lợi thế để thực hiện tự chủ. Các tỉnh, thành phố cũng cần phải làm việc quy hoạch, phân loại và các Bộ, ngành cũng không thể làm thay địa phương được.
Đối với việc xây dựng định mức kinh tế- kỹ thuật của các loại hình dịch vụ công, Phó Thủ tướng lưu ý các Bộ, ngành bắt buộc phải thực hiện bài bản. Trong lĩnh vực khám chữa bệnh, Phó Thủ tướng yêu cầu khi điều chỉnh giá dịch vụ thì phải xác định giá dịch vụ cao cấp và có mức trần cho giá bảo đảm tiêu chuẩn khám chữa bệnh thông thường để BHXH thực hiện việc chi trả.
Ngoài ra, các Bộ khẩn trương xây dựng Nghị định chuyên ngành, đảm bảo phù hợp với các quy định của Nghị định số 16.
Thành Chung
Nguồn: baodientu.chinhphu.vn