Tìm kiếm tin tức
Bạn đánh giá Website của bệnh viện chúng tôi như thế nào?
Thông tin thuốc Tháng 06 năm 2022
Ngày cập nhật 23/06/2022

VẤN ĐỀ DÙNG NHIỀU THUỐC (Polypharmacy)

Tác giả: SVD. Nguyễn Thanh Huyền – Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

GIỚI THIỆU

      Hiện nay, nhiều bệnh nhân đang dùng đồng thời nhiều loại thuốc và chế phẩm bổ sung. Khảo sát kê đơn và cấp phát kháng sinh trên bệnh nhân ngoại trú tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho thấy, số thuốc kê trung bình trong một đơn là 7,1. Một nghiên cứu khác cho thấy, 25% người Mỹ trưởng thành dùng 5 loại thuốc trở lên. Điều này gây hại nhiều hơn là có lợi.

      Dùng nhiều thuốc, cho dù là thuốc kê đơn, thuốc OTC, thảo dược hoặc chế phẩm bổ sung – được gọi là polypharmacy  – không chỉ là gánh nặng cho bệnh nhân mà còn rất nguy hiểm. Ví dụ như thuốc được kê khi không cần thiết; thuốc không được kê khi cần thiết; bệnh nhân dùng thuốc không đúng cách; tương tác thuốc hay sự giảm tuân thủ điều trị của bệnh nhân.

      Dược sĩ và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác có vai trò quan trọng trong việc giảm vấn đề dùng nhiều thuốc.

 

ĐỊNH NGHĨA

       Không có định nghĩa duy nhất của polypharmacy, mặc dù nó thường được định nghĩa là việc sử dụng năm loại thuốc trở lên hàng ngày. Thuốc ở đây bao gồm thuốc kê đơn, thuốc OTC, chế phẩm bổ sung và thảo dược.

NGUYÊN NHÂN

      Polypharmacy có thể xảy ra khi các loại thuốc được kê đơn mới dùng để điều trị tác dụng phụ của các loại thuốc cũ. Đây gọi là “kê toa dây chuyền”. Khi điều trị một số bệnh mãn tính, như cao huyết áp và suy tim, việc sử dụng nhiều loại thuốc thường là cần thiết về mặt lâm sàng. Polypharmacy trở nên có vấn đề khi lý do dùng thuốc không rõ ràng, khi dùng thuốc để điều trị tác dụng phụ của các thuốc khác, khi liều lượng và thời gian dùng thuốc phức tạp, và khi thuốc tương tác với nhau. [3]

      Polypharmacy thường xảy ra ở người mắc nhiều bệnh mãn tính, chẳng hạn như tiểu đường, cao huyết áp, suy tim, loãng xương và/hoặc các triệu chứng như đau, mất ngủ, cần điều trị lâu dài bằng thuốc. Bệnh mãn tính và triệu chứng tích lũy theo tuổi tác. Vì lý do này, người lớn tuổi có nguy cơ dùng nhiều thuốc cao hơn. [3]

HẬU QUẢ

      Polypharmacy làm tăng nguy cơ phản ứng bất lợi với thuốc. Càng nhiều thuốc, nguy cơ tương tác thuốc càng cao. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những bệnh nhân dùng 5-9 loại thuốc có 50% khả năng tương tác thuốc bất lợi, tăng lên 100% khi họ dùng 20 loại thuốc trở lên. Một nghiên cứu y tế báo cáo rằng polypharmacy chiếm gần 30% tổng số bệnh nhân nhập viện và là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 5 ở Hoa Kỳ. [2]

     Polypharmacy có liên quan đến các rủi ro bao gồm giảm nhận thức, lú lẫn, té ngã, phản ứng có hại của thuốc, tăng thời gian nằm viện, tái nhập viện ngay sau khi xuất viện và thậm chí là tử vong. [4]

Bệnh nhân càng dùng nhiều thuốc, càng khó có được tiền sử dùng thuốc chính xác, điều này cản trở việc xem xét và kê đơn thuốc. Tỷ lệ phản ứng có hại của thuốc tăng theo số lượng thuốc sử dụng. [4]

     Việc sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau cùng một lúc có thể dẫn đến sự nhầm lẫn trong việc lưu trữthuốc hoặc dùng thuốc không chính xác. Bác sĩ lâm sàng có thể không biết những loại thuốc mà bệnh nhân của họ đang dùng, dẫn đến sai sót trong việc kê đơn. Ví dụ, cùng một loại thuốc có thể được kê đơn 2 lần. [3]

     Một loại thuốc có thể không phát huy tác dụng hoặc có tác dụng phụ khi sử dụng chung với các loại thuốc khác. Đây gọi là một tương tác thuốc-thuốc. Bệnh nhân càng dùng nhiều thuốc và chế phẩm bổ sung thì nguy cơ mắc các tác dụng phụ càng cao. [3]

     Một loại thuốc được sử dụng để điều trị một bệnh hoặc triệu chứng có thể có tác động tiêu cực đến một bệnh hoặc triệu chứng khác. Đây gọi là một tương tác thuốc-bệnh. Ví dụ, thuốc chống viêm, thường được sử dụng làm thuốc giảm đau, có thể làm tăng huyết áp và làm suy giảm chức năng thận, do đó cần cân nhắc khi kê đơn thuốc cho những bệnh nhân có huyết áp cao hoặc có các vấn đề về thận. [3]

CÁCH ĐỐI PHÓ

      Polypharmacy là một vấn đề cần sự đồng tâm hiệp lực của cả đội ngũ nhân viên y tế, bệnh nhân và gia đình. Cần có những hoạt động thông tin thuốc, chương trình khuyến khích giảm thuốc, tổ chức khám chuyên về polypharmacy để góp phần ngăn ngừa tác hại.

  • Những công cụ hữu ích có thể tham khảo: [5]
  • Beers Criteria: hướng dẫn cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe để cải thiện sự an toàn của việc kê đơn thuốc cho người cao tuổi, giúp giảm các vấn đề về polypharmacy, tương tác thuốc và phản ứng có hại của thuốc, từ đó cải thiện chế độ dùng thuốc ở những người có nguy cơ. www.americangeriatrics.org
  • STOPP Criteria: Screening Tool of Older Persons’ Potentially (Công cụ sàng lọc các đơn thuốc có khả năng không phù hợp của người lớn tuổi).
  • START Criteria: Screening Tool to Alert Doctors to Right Treatments (Công cụ sàng lọc để cảnh báo các bác sĩ để điều trị đúng)
  • 7 bước để ngăn ngừa polypharmacy: [6]

      Bước 1: Hiểu mục tiêu điều trị

      Bước 2: Xác định thuốc thiết yếu

      Bước 3: Xác định thuốc “ không thiết yếu”

      Bước 4: Đánh giá hiệu quả điều trị

      Bước 5: Đánh giá độ an toàn

      Bước 6: Đánh giá hiệu quả-chi phí

      Bước 7: Đánh giá độ tuân thủ của bệnh nhân.

CHẾ PHẨM BỔ SUNG VÀ THUỐC OTC

      Sự kết hợp giữa thuốc kê đơn, thuốc OTC và chế phẩm bổ sung làm tăng thêm sự phức tạp trong điều trị. Trong nhiều trường hợp, cả các nhà chăm sóc sức khỏe và bệnh nhân đều không coi các chế phẩm bổ sung là thuốc và do đó thường bị bỏ quên trong quá trình chăm sóc lâm sàng. Nhiều bệnh nhân đang sử dụng các chế phẩm bổ sung kết hợp với thuốc kê đơn, cũng như sự kết hợp giữa thuốc kê đơn với thuốc OTC có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng. [1]

      Ví dụ, kết hợp thuốc warfarin làm loãng máu với aspirin có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, chẳng hạn như xuất huyết tiêu hóa. Tương tự, sự kết hợp của các chất ức chế men chuyển angiotensin (ACE), thường được sử dụng để điều trị cao huyết áp và suy tim với các chất bổ sung kali OTC, có thể gây ra tình trạng tăng kali máu đe dọa tính mạng. [1]

NÊN LÀM GÌ NẾU ĐANG DÙNG NHIỀU THUỐC

     Nên có một danh sách thuốc chính xác và cập nhật các loại thuốc đang dùng. Bao gồm những thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, sản phẩm thảo dược và chế phẩm bổ sung. Luôn  giữ danh sách này và cập nhật bất cứ khi nào có sự thay đổi đơn thuốc. [3]

     Hãy chắc chắn rằng bác sĩ biết tất cả các loại thuốc và thuốc bổ sung không kê đơn đang dùng. [3]

     Hiểu lý do tại sao phải dùng các thuốc này. Thảo luận với bác sĩ về những tác dụng phụ cần chú ý. Nếu cần, hãy tham khảo các trang web và tài liệu trực tuyến về các thông tin thuốc. [3]

     Định kỳ thảo luận về chế độ dùng thuốc với bác sĩ. Hỏi bác sĩ nếu có thuốc không còn cần dùng và thuốc nào có thể ngừng dùng nếu thay đổi lối sống (ví dụ, chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và giảm cân). [3]

    Tránh đột ngột dừng thuốc theo quy định. Nếu gặp vấn đề với việc dùng thuốc đúng cách, hãy thảo luận với bác sĩ về khả năng đơn giản hóa chế độ dùng thuốc. Nếu cần, sử dụng các phương tiện hoặc công cụ để đơn giản hóa việc sử dụng thuốc (ví dụ, hộp thuốc hàng tuần hoặc hàng ngày). [3]

    Dược sĩ có thể giúp đỡ! Trước khi mua bất kỳ sản phẩm hoặc thuốc bổ sung nào, hãy nhớ hỏi dược sĩ về vấn đề an toàn khi dùng chung với các loại thuốc khác. Dược sĩ có thể nói chuyện trực tiếp với bác sĩ để hiểu rõ hơn lý do tại sao thuốc được kê đơn và thảo luận về các phương pháp điều trị thay thế có nguy cơ tương tác thuốc thấp hơn. [2]

THÔNG ĐIỆP

    Polypharmacy có nghĩa là việc dùng nhiều thuốc một cách không hợp lý.

    Một hậu quả phổ biến là làm tăng tác dụng phụ của thuốc, một số trong đó là do tương tác thuốc.

    Đánh giá thường xuyên được khuyến nghị để xác định sự phù hợp của việc sử dụng tất cả các loại thuốc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Kira BarrettEleanor LucasG. Caleb Alexander (9 Jun 2016). How polypharmacy has become a medical burden worldwide. Clinical Pharmacist.

https://www.pharmaceutical-journal.com/opinion/insight/how-polypharmacy-has-become-a-medical-burden-worldwide

  1. Staff (June 16, 2017). Polypharmacy. US Pharm.https://www.uspharmacist.com/article/polypharmacy
  2. Graziano Onder; Alessandra Marengoni (November 7, 2017). Polypharmacy. JAMA.

https://jamanetwork.com/journals/jama

  1. Sarah N Hilmer (1 February 2008). The dilemma of polypharmacy. NPS medicinewise.

https://www.nps.org.au/australian-prescriber/articles/the-dilemma-of-polypharmacy?

  1. Harriet Pike (2 NOV 2018). Deprescribing: the fightback against polypharmacy has begun. The Pharmaceutical Journal.

https://www.pharmaceutical-journal.com/news-and-analysis/features/deprescribing-the-fightback-against-polypharmacy-has-begun

  1. Scottish Government Polypharmacy Model of Care Group. Polypharmacy Guidance, Realistic Prescribing 3 rd Edition, 2018. Scottish Government.

https://www.therapeutics.scot.nhs.uk/wp-content/uploads/2018/09/Polypharmacy-Guidance-2018.pdf

 

Khoa Dược
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Lịch công tác tuần
Thứ hai ngày 18/11/2024
Giám đốc: Nguyễn Văn Vỹ
08:00: Họp trực tuyến về giảm thiểu ma túy với Bộ Công An
09:00: Tặng hoa chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Phó Giám Đốc: Trần Đức Tuấn
16:30: Tham dự hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện quy chế phối hợp BCA và BYT
Thứ ba ngày 19/11/2024
Giám đốc: Nguyễn Văn Vỹ
08:00: Hội nghị cán bộ chủ chốt Quy hoạch cán bộ bổ sung lãnh đạo nhiệm kỳ 2025-2030
15:00: Kỷ niệm 42 năm ngày Nhà Giáo Việt Nam
Thứ tư ngày 20/11/2024
Giám đốc: Nguyễn Văn Vỹ
15:00: Rà soát Các nội dung kiểm tra cuối năm 2024
Thứ năm ngày 21/11/2024
Giám đốc: Nguyễn Văn Vỹ
13:00: Tham dự HN Da Liễu Châu Á- TBD
Phó Giám Đốc: Trần Đức Tuấn
08:00: Tham dự hội thảo nâng cao chất lượng chất lượng chăm sóc người có công cách mạng
Thứ sáu ngày 22/11/2024
Thứ bảy ngày 23/11/2024
Chủ nhật ngày 24/11/2024
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.976.981
Truy cập hiện tại 112

Chung nhan Tin Nhiem Mang