Thực hiện tiêm an toàn nhằm đảm bảo cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng không bị mắc các bệnh lây nhiễm và tránh được các biến chứng do các dịch vụ tiêm truyền gây nên.
Nguyên tắc:
-
Dùng bơm kim tiêm vô khuẩn riêng cho mỗi lần tiêm truyền.
-
Tuân thủ tuyệt đối các quy trình kỹ thuật tiêm và chuẩn mực về vô khuẩn.
-
Đảm bảo an toàn không có tai biến, nhầm lẫn khi tiêm thuốc cho người bệnh.
-
Không nên lạm dụng dùng thuốc bằng phương pháp tiêm truyền.
-
Phân loại và cô lập ra các vật sắc nhọn sau khi tiêm theo quy chế xử lý chất thải.
Các chỉ số tiêm an toàn:
1. Rửa tay trước khi thực hiện kỹ thuật tiêm truyền, kể cả khi thay dây dịch truyền hoặc mỗi khi bơm thuốc cho cho mỗi người bệnh.
2. Tiêm thuốc đúng theo y lệnh
3. Thực hiện:
+ 3 kiểm tra (họ tên người bệnh – tên thuốc – liều dùng),
+ 5 đối chiếu (số giường, số phòng bệnh – đường dùng – nhãn thuốc – chất lượng – thời gian)
+ 5 đúng: đúng người bệnh – tên thuốc – liều dùng – đường tiêm – thời gian
Khi tiêm truyền
4. Sử dụng bơm kim tiêm mới, vô khuẩn cho mỗi lần tiêm
5. Sát khuẩn nắp lọ thuốc trước khi lấy thuốc
6. Không dùng kim rút thuốc lọ để tiêm.
7. Kim tiêm không bị chạm vào tay và dụng cụ bẩn trước khi tiêm, không mở nắp bảo vệ kim cho đến khi bắt đầu tiêm cho người bệnh
8. Xác định đúng vị trí tiêm, góc kim và độ sâu của kim, tuân thủ vô khuẩn tuyệt đối khi thực hiện kỹ thuật.
9. Sát khuẩn da vùng tiêm bằng cồn iode 0.1% hay betadine 10% theo hình xoắn ốc, từ trong ra ngoài.
10. Không được đâm kim qua vùng sát khuẩn còn ướt cồn cũng như không được tẩm ướt bông quá nhiều cồn lên vị trí tiêm truyền hay ấn trước khi rút kim ra.
11. Đảm bảo đúng kỹ thuật tiêm truyền (2 nhanh – 1 chậm: đâm kim nhanh, rút kim nhanh, bơm thuốc chậm)
12. Quan sát người bệnh trong khi tiêm
13. Băng gạc vô khuẩn nơi tiêm truyền tĩnh mạch, thay băng mỗi 24h hay thay ngay khi ẩm ướt, bẩn, có dấu hiệu nhiễm trùng.
14. Dây dịch truyền, chai dịch truyền thay mỗi 24h.
15. Không đặt kim Catheter quá 72h. Sát khuẩn Catheter (xung quanh nơi bơm thuốc) trước khi bơm qua dây dịch truyền.
16. Thay ngay lập tức hệ thống dây truyền sau khi truyền máu hay lipid nếu tiếp tục truyền các dịch khác.
17. Mang theo hộp thuốc chống shock khi đi tiêm truyền. (thuộc phác đồ chống shock và biết cách xử trí)
Biện pháp đề phòng chung cho người chăm sóc:
1. Rửa tay thường quy sau khi tiêm truyền
2. Mang găng tay khi tiếp xúc với máu.
3. Không vội vàng thao tác liên quan đến vật sắc nhọn: kim tiêm, ống thuốc thủy tinh…
4. Không đậy nắp kim sau khi sử dụng xong
5. Không được uốn cong, bẻ gãy kim trước khi vứt bỏ vào thùng đựng vật sắc nhọn
6. Không được dùng kềm hay tay không để bẻ ống thuốc
7. Đảm bảo thu gom, xử lý an toàn bơm kim tiêm, vật sắc nhọn vào thùng chứa không chọc thủng, để gần khu vực thuận tiện như xe tiêm, buồng tiêm theo quy định.
8. Mang găng dày khi rửa vật sắc nhọn.
9. Ngay lập tức sau khi phơi nhiễm với máu do kim đâm: rửa tay dưới vòi nước và dung dịch rửa tay, sau đó sát khuẩn lại bằng cồn iode 0.1%.
10.Không để vật thải sắc nhọn gây nguy hại cho người khác:
Áp dụng đề phòng chung ở mọi lúc, mọi nơi, hiểu nguy cơ cao do kim tiêm, vật sắc nhọn không xử lý an toàn. Thực hiện nghiêm ngặt từ việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải đúng theo quy định. Đó là trách nhiệm của mọi người.
Để thực hiện tốt tiêm an toàn: toàn bộ nhân viên y tế phải chấp hành tốt QUY ĐỊNH TIÊM AN TOÀN; Điều dưỡng trưởng Bệnh viện, Điều dưỡng Trưởng Khoa và Khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn kiểm tra chặt chẽ.