Các tác giả đều thống nhất rằng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một bệnh phổ biến trên thế giới, có tỷ lệ mắc và tử vong cao và xu hướng ngày càng gia tăng. Cho đến nay, có khoảng 384 triệu người mắc COPD trên toàn thế giới, cứ mỗi 10 giây có 1 người tử vong do COPD và bệnh này là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 3 trong số nguyên nhân tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính luôn chiếm tỷ lệ lớn bệnh nhân điều trị nội trú trong các khoa hô hấp tại các bệnh viện, là gánh nặng cho nền y tế Việt Nam. Theo thống kê tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai từ 1996 đến năm 2000, COPD chiếm 25,1%, còn tại Khoa nội Hô hấp- Bệnh viện TƯQĐ 108 trong những năm 2000 -2005 thì COPD chiếm khoảng 20% số bệnh nhân nội trú tại khoa. Tác giả Đinh Ngọc Sỹ và cộng sự khi nghiên cứu dịch tễ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn quốc, kết quả cho thấy tỷ lệ mắc COPD chung toàn quốc ở tất cả các lứa tuổi nghiên cứu là 2,2%, tỷ lệ mắc COPD ở nam là 3,4 và nữ là 1,1%. Tỷ lệ mắc COPD ở độ tuổi từ 40 trở lên là 4,2%, trong khi ở nhóm dưới 40 tuổi, tỷ lệ mắc chỉ là 0,4%.
Đa số các trường hợp tử vong do COPD đều xảy ra trong đợt cấp của bệnh. Đợt cấp COPD là một biến cố cấp tính đặc trưng bởi sự xấu đi của các triệu chứng hô hấp vượt quá giao động bình thường hàng ngày dẫn tới phải thay đổi các biện pháp điều trị. Tần suất trung bình khoảng 2,5-3 đợt cấp trong một năm. Đợt cấp khiến bệnh nhân thường phải nhập viện điều trị, tăng tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân COPD, tăng tốc độ suy giảm chức năng phổi, ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống và tăng chi phí điều trị rất rõ rệt là gánh nặng cho ngành y tế cũng như trực tiếp đối với bệnh nhân và gia đình họ.
Vấn đề đặt ra là chúng ta điều trị bệnh nhân COPD như thế nào để phòng ngừa nhằm giảm tần suất đợt cấp, giảm nguy cơ bệnh tiến triển, nhằm giảm nguy cơ tử vong? Muốn vậy chúng ta phải có các biện pháp dự phòng, điều trị một cách toàn diện, đều đặn cho tất cả các bệnh nhân COPD từ giai đoạn bệnh đang ổn định bằng các biện pháp sau:
* Phòng bệnh: - Tất cả bệnh nhân nếu còn đang hút thuốc thì cần bỏ hút thuốc lá, thuốc lào, chúng ta phải coi là 1 biện pháp điều trị đơn giản và có hiệu quả nhất vì đã loại bỏ nguyên nhân chính gây bệnh, giảm được tần suất đợt cấp và làm bệnh giảm tiến triển. Tuy khi đã mắc COPD thì bỏ hút thuốc không thể làm bệnh nhân khỏi bệnh nhưng sẽ làm tăng hiệu quả các thuốc điều trị, giảm triệu chứng, chính vì vậy phải thấm nhuần khẩu hiệu “Bỏ hút thuốc là thì không bao giờ là quá muộn”. Chúng ta cần khuyên bệnh nhân COPD bỏ hút thuốc lá và có thể dùng thêm các biện pháp hỗ trợ bỏ thuốc.
- Chúng ta cũng phải chú ý cải thiện chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân với phương châm: dinh dưỡng cân đối, tăng các Vitamin chống oxy hóa như Vitamin C, E, A nhằm tăng sức đề kháng cơ thể nói chung và tăng cường khả năng bảo vệ của phổi nói riêng tức là tăng “sức khỏe” của phổi .
- Chúng ta cũng cần chú ý cải thiện môi trường sống, tránh cho bệnh nhân tiếp xúc với bụi- khói vì đây cũng là một nguyên nhân gây đợt cấp, đặc biệt khi chuyển mùa, khi bệnh nhân tiếp xúc với bụi khói, sương mù kích thích trực tiếp đường hô hấp có thể dẫn đến đợt cấp của bệnh.
- Bệnh nhân cũng cần được tiêm phòng cúm mỗi năm một lần vào đầu mùa thu, vắc xin phòng phế cầu khuẩn 5 năm một lần. Đây là biện pháp dự phòng quan trọng nhằm giảm nguy cơ mắc đợt cấp vì chúng ta đã biết mắc cúm hoặc viêm đường hô hấp do phế cầu khuẩn là một trong những nguyên nhân chính gây đợt cấp.
- Bệnh nhân cũng cần được tập luyện phục hồi chức năng hô hấp: nhằm giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống, gia tăng các hoạt động thể chất bằng các biện pháp như thể dục dưỡng sinh, đi bộ, tập thở cơ hoành, tư vấn dinh dưỡng và hỗ trợ tâm lý để bệnh nhân có thể hòa nhập và thích nghi trong cuộc sống hằng ngày.
*Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn ổn định: Ưu tiên các thuốc giãn phế quản dạng phun hít khí dung, liều lượng, đường dùng tùy vào mức độ và giai đoạn bệnh. Dựa vào nguy cơ gây đợt cấp (tần suất đợt cấp bệnh nhân đã mắc trong một năm trước đó) và mức độ triệu chứng của bệnh chúng ta chia bệnh nhân COPD theo các phâm nhóm A, B, C, D, từ đó có biện pháp điều trị thích hợp theo từng nhóm bệnh:
- Bệnh nhân nhóm A (nhóm nguy cơ thấp, ít triệu chứng) thì chúng ta có thể dùng thuốc thuốc giãn phế quản được sử dụng khi cần, giúp cải thiện triệu chứng khó thở và có thể lựa chọn nhóm thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn hoặc tác dụng dài. Tuỳ theo đáp ứng điều trị và mức độ cải thiện triệu chứng của bệnh nhân mà sẽ tiếp tục phác đồ điều trị hoặc đổi sang nhóm thuốc giãn phế quản khác.
-Bệnh nhân nhóm B (nhóm nguy cơ thấp, nhiều triệu chứng): Lựa chọn điều trị tối ưu là thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài, có thể lựa chọn khởi đầu điều trị bằng thuốc trong nhóm cường beta 2 adrenergic tác dụng kéo dài (LABA) hoặc các thuốc trong nhóm kháng cholinergic tác dụng dài (LAMA). Khi bệnh nhân vẫn còn khó thở dai dẳng sau khi đã dùng LABA hoặc LAMA đơn trị liệu, thì ưu tiên sử dụng phối hợp hai nhóm thuốc giãn phế quản LABA với LAMA. Các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy khi phối hợp 2 thuốc này đã giảm rõ rệt nguy cơ đợt cấp so với các phác đồ điều trị khác. Một điều chý ý là bệnh nhân nhóm B thường có bệnh đồng mắc kèm theo, có nhiều triệu chứng, khó tiên lượng vì thế cần được đánh giá và điều trị toàn diện các bệnh đồng mắc.
-Bệnh nhân nhóm C (nhóm nguy cơ cao nhưng ít triệu chứng): Bệnh nhân thuộc nhóm này có thể dùng ban đầu dùng một loại thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài đã điều trị. Nhưng nếu bệnh nhân tiếp tục có đợt cấp có thể dùng phối hợp LAMA với LABA hoặc các thuốc dạng kết hợp Corticosteroid dạng phun hít kết hợp với thuốc cường beta 2 adrenergic tác dụng kéo dài (LABA/ICS) nhưng do Corticosteroid dạng phun hít (ICS) làm tăng nguy cơ xuất hiện viêm phổi ở một số bệnh nhân cho nên hiện nay ưu tiên dùng LABA/LAMA. Nhưng LABA/ICS có thể lựa chọn cho những bệnh nhân có tiền sử và/hoặc gợi ý chẩn đoán chồng lấp hen và COPD hoặc tăng bạch cầu ái toan (E) trong máu >300/µL hay E> 100/µL và có trên từ 2 đợt cấp trung bình hoặc nặng trong 1 năm trở lên.
-Bệnh nhân nhóm D (nhóm nguy cơ cao nhưng nhiều triệu chứng): Bệnh nhân có thể được khởi đầu điều trị với sự kết hợp giữa LABA với LAMA. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân có thể lựa chọn điều trị ban đầu bằng LABA/ICS khi có tiền sử và/hoặc gợi ý chẩn đoán chống lấp giữa bệnh hen phế quản và COPD hoặc nhứng bệnh nhân có tăng E trong máu >300/µL hay E> 100/µL và có trên từ 2 đợt cấp trung bình hoặc nặng trong 1 năm trở lên. Đối với các bệnh nhân vẫn xuất hiện đợt cấp dù điều trị phác đồ phối hợp 2 thuốc LABA/LAMA, được đề nghị hai phác đồ thay thế hoặc là nâng bậc với phác đồ 3 thuốc kết hợp LABA/LAMA/ICS hoặc chuyển sang phác đồ LABA/ICS. Nếu bệnh nhân được điều trị với LABA/LAMA/ICS vẫn còn xuất hiện các đợt cấp những lựa chọn sau đây có thể xem xét như thêm nhóm Roflumilast khi bệnh nhân đo chức năng phổi có thể tích thở ra đối đa trong một giây (FEV1) dưới 50% số lý thuyết và ở thể bệnh viêm phế quản mạn tính chiếm ưu thế, đặc biệt là nếu họ đã có tiền sử ít nhất 1 lần nhập viện vì đợt cấp trong năm trước. Một lựa chọn khác là dùng thêm kháng sinh nhóm macrolid (ví dụ Erythromycin) ở những bệnh nhân vẫn còn hút thuốc lá, đáp ứng điều trị kém khi đã dùng tối ưu phác đồ phối hợp các thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài. Cần xem xét tới yếu tố vi khuẩn kháng thuốc trước khi quyết định điều trị.
Trong thực tế điều trị, cứ mỗi 3-6 tháng bệnh nhân cần được đánh giá lại hiệu quả của liệu pháp điều trị ban đầu nên được thực hiện để có hướng điều trị tiếp theo phù hợp nhất để dự phòng đợt cấp và giảm triệu chứng.